Trang chủ Trang chủ

Giỗ Tổ Hùng Vương và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

18/04/2024
33
Giỗ tổ Hùng Vương hay lễ hội Đền Hùng, Quốc giỗ là ngày 10 tháng 03 Âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội mùa xuân hấp dẫn nhất tại miền Bắc, là ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam nhằm tưởng nhớ tới công lao dựng nước của các vị Vua Hùng.

Trong tâm thức của người Việt, ngày giỗ tổ Hùng Vương luôn có một vị thế vô cùng quan trọng. Lễ hội là dịp để giáo dục về truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị Vua Hùng - những người đã có công dựng nước và giữ nước.

Đây còn là cơ hội để Việt Nam quảng bá với thế giới về một Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Lễ hội chính là niềm tự hào dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa, lòng thành kính với nguồn cội.

Giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đại đoàn kết dân tộc  thông qua ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ hội Đền Hùng có giá trị quan trọng trong tâm thức người Việt Nam (Ảnh: Sưu tầm)

Trong sử sách ghi chép từ thời Hậu Lê, nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần và nhà Hậu Lê đều cùng hương khói trong ngôi Đền Hùng. Ngày giỗ Vua Hùng được các triều đại phong kiến coi như ngày quốc lễ của đất nước Việt Nam.

Các triều đại phong kiến giao Đền Hùng cho người dân địa phương trông giữ, sửa sang và cúng bái, làm lễ giỗ tổ hàng năm. Đổi lại, người dân tại đó sẽ được triều đình miễn cho các khoản thuế ruộng, sưu dịch và không cần sung lính.

Sang thế kỷ 20, triều vua Khải Định, ngày 10/03 Âm lịch chính thức trở thành ngày giỗ tổ, các quan phải mặc phẩm phục đến đền Hùng tổ chức cúng tế. Vào năm 2007, giỗ tổ trở thành ngày quốc lễ, được Bộ luật Lao động công nhận là ngày nghỉ chính thức.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

*Nguồn tin chính thức từ UBND quận


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ: